Một ngày đầu tháng 3/2020, người đàn ông ở Bàu Bàng ôm theo 30 tỷ đồng tìm đến xã Long Hòa, huyện Dầu Tiếng gặp anh Nguyễn Tấn Sơn, một cây đại thụ trong làng Var, cũng là một trong những người sở hữu vườn lan lớn nhất hiện nay. Dân chơi lan Var thường gọi đây là vườn lan triệu đô, có đủ loại lan Var quý hiếm trên cả nước. Người này đã ngỏ ý với anh Sơn đầu tư hết số tiền vào lan dưới hình thức kinh doanh, mong anh Sơn chỉ dẫn. Tuy nhiên, ông ta đã thất vọng vì chỉ nhận được cái lắc đầu từ chủ vườn hoa.
“Qua trò chuyện, tôi biết đây là số tiền mà anh ấy vừa bán nhiều lô đất. Tôi khuyên anh ấy dùng số tiền này để đầu tư lại bất động sản. Đã không hiểu gì về lan, không yêu lan thì không nên mạo hiểm, vì phải trả một cái giá rất đắt. Cây lan Var có giá trị tiền tỷ, cả hàng chục tỷ và mua bán bằng tiền mặt chứ không hề ảo như nhiều người từng nghĩ. Tôi thừa nhận trong cách chơi có cả việc kinh doanh, kiếm lời. Nhưng thử hỏi, mua một cây lan tiền tỷ mà không yêu, không biết cách chăm sóc thì chẳng khác gì đem tiền đi vứt. Hơn nữa, khi chơi lan mà chưa có tên tuổi thì ai tin mình để mà mua bán. Muốn làm việc gì cũng phải có nền móng, chữ tín…”, anh Sơn tâm sự.
Từng bán đất, cầm cố nhà cửa để đầu tư vào cây lan Var, nên anh Sơn đã trải qua những thăng trầm của thú chơi này. Hơn 20 năm trong ngành xây dựng, làm được bao nhiêu tiền anh đổ hết vào lan. Hơn 10 năm trước, khi mọi người chưa biết đến lan Var là gì, anh Sơn đã từng bỏ ra 24 triệu mua một ki lan 5 cánh trắng ở Lâm Đồng.
Đơn giản là chơi vì đam mê, chứ lúc ấy thị trường lan chưa sôi động, chưa mua bán rầm rộ như hiện nay, nên có thể coi đây là cuộc giao dịch lớn nhất trong giới chơi lan. Cũng vì mê lan, dồn hết tiền vào hoa lan mà không ít lần anh lâm nợ.
“Bà xã tôi tên Lan, cũng là người mê lan từ nhỏ, nên được cái chúng tôi cùng kham cộng khổ, chấp nhận rủi ro vì đam mê. Chứ như nhiều người hiện nay cứ ôm tiền tỷ mua lan, đùng cái thị trường lan biến động, bán với giá bèo không thu được tiền về thì có phải nhà tan cửa nát hay không”, anh Sơn nói.
Từ chỗ dám mạo hiểm cho niềm đam mê và trải qua hơn 10 năm chơi lan Var, nên anh Sơn là người duy nhất hiện nay đang sở hữu nhiều loài lan Var. Chỉ cần nghe ở đâu có loài hoa quý hiếm này, anh sẽ có mặt để thẩm định giá rồi mua về vườn.
Anh Sơn cho biết: “Lúc cây mẹ mới nở hoa do bị sâu bướm ăn hết một phần, nhìn rất xấu. Anh Chính là người sành lan ở phía Bắc mới dám mạo hiểm mua cây với số tiền lớn. Loài này hoa rất đẹp, nhưng đề kháng yếu, khó chăm sóc”.
Mới đây nhất, anh đã gây xôn xao cộng đồng chơi lan khi xuống tay 15 tỷ đồng chốt giá cây lan “Huyền thoại bướm đại ngàn” chỉ cao vài cm từ anh Trương Quốc Chính (anh Chính Trương), chủ vườn lan ở Ba Vì. Trước khi về tay chủ nhân mới, cây lan này được anh Chính Trương mua lại của một người khác ở Sơn La với giá 1 tỷ đồng năm 2017 và đặt tên “Huyền thoại bướm đại ngàn”.
Trước đó, vào năm 2018, anh cũng là chủ nhân đầu tiên của 2 cây Bảo Duy và Kinh Bắc. Hiện nay, nếu cây Bảo Duy đang làm mưa làm gió trên thị trường, được anh Sơn sang tay cho nhiều vườn từ Bắc chí Nam thì cây Kinh Bắc chỉ mới được bán cho một người duy nhất.
Nói về cây Bảo Duy đã mang lại tiền tỷ cho nhiều nhà vườn, anh Sơn kể: “Cây này do anh Hoàng Anh Tuấn, nhà ở huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước xổ được. Lúc anh Tuấn đăng tải cây Bảo Duy lên mạng, tôi đã tìm đến ngã giá 600 triệu đồng nhưng anh không bán. Một thời gian sau, tôi mua lại 5 ki non với giá 2 tỷ đồng. Sau đó có chia lại cho các anh em khác trong hội nhóm, mình giữ lại vài cây làm giống”.
Từ chỗ cầm cố tài sản, bán đất để chơi lan, đến hôm nay anh Sơn đã thu lại được tiền từ lan để mua đất. Anh là ông chủ của 4 vườn lan có diện tích hơn 2ha và đang tiếp tục đầu tư một vườn lan khác tại xã Long Hòa có diện tích trên 30ha.
Trong phần diện tích này, anh thiết kế 2ha theo hình bản đồ Việt Nam. Trong khuôn viên này có cả nhà nghỉ, hồ bơi, hồ cá koi… như kiểu khu nghỉ dưỡng dành cho người chơi lan. Trên hình bản đồ Việt Nam, chủ nhân vườn lan sẽ phân chia diện tích thành 63 tỉnh, thành và đặt lên đó những chậu Var “top” của từng tỉnh. Và khi đặt chân đến đây, người mê lan dễ nhận biết loài lan quý của từng tỉnh.